Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

TIÊN TỔ HỌ TRẦN HƯƠNG KHÊ, HÀ TĨNH

Con cháu họ Trần huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nói chung và con cháu họ Trần Phú Gia, Hương Long, Hương Bình... trân trọng cám ơn ông cố Trần Kim Tần, bác Trần Kim Lý (Nhà thơ Song Nhị) đã cho con cháu có được những tư liệu quý giá trong cuốn Trần Tộc Gia Phả. Nội dung trang này được viết dựa theo cuốn TRẦN TỘC GIA PHẢ HỌ TRẦN KIM, PHÚ GIA HƯƠNG KHÊ, California USA, 2014) và cuốn Gia phả họ Trần xã Hương Long hiện lưu tại Nhà Thờ họ, do Bác Tộc Trưởng Trần Đình Tài chủ quản.
Với tấm lòng thành biên soạn để cho anh em, con cháu biết được cội nguồn Tiên Tổ, bản thân tôi Trần Xuân Linh đi theo dấu tích mà Tiền nhân đã gìn giữ để ghi theo, vốn tài hèn, sức mọn chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, rất mong quý cao niên và các anh em nhiệt tình chỉ bảo, đóng góp thêm để cho tài liệu lưu truyền được hoàn chỉnh hơn. Xin chân thành cám ơn!


Ngài Thủy Tổ là Trần Tướng Công làm quan Triều Nội, đời Hậu Lê, đầu thế kỷ 16. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, từ thế kỷ 16 cơ nghiệp của nhà Lê ngày một suy tàn bởi các triều vua kế tiếp là ấu vương, hôn quan đam mê tửu sắc, chính trị đổ nát, nghịch thần phản loạn giết hại lẫn nhau. Nhân cơ hội đó, Mạc Đăng Dung chiếm đoạt ngôi vua, giữ trọn quyền hành triều chính (1527-1529). Trần Tướng Công treo ấn từ quan về ẩn dật tại Thanh Luyện xã, Thổ Hoàng tổng, Hương Khê huyện, Hà Tĩnh đạo. Nay là xã Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ngài đổi chữ lót là Hữu và mang theo sắc chỉ của nhà Vua ban. Ngài Thủy Tổ, gốc quê từ Thanh Hóa di cư vào Thanh Luyên, có hiệu vị là Trần Tướng Công, Tiền Lê Triều Khâm Thụ Sắc Phong Nhập Thị Nội Điện, Hiệu Bố Nghệ Công. Bà Tiền Thừa Tước thứ Trần Chính Thất. Nay phần mộ táng tại xứ Chò Đìa xã Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ngài Thủy Tổ Trần Tướng Công có bốn người con trai: 
- Con trai cả ở lại phụng tự, vị hiệu thất truyền; 
- Con trai thứ hai húy là Khôi, vị hiệu là Tiền Tướng Thần Lại Lĩnh Khanh Nam, di cư đến Bình Thọ, xóm Búng Bạng, xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Phần mộ ông bà táng tại Thượng Bàu Lác, xứ Hạ Ấp, xã Hương Long, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. 
- Con trai thứ ba di cư đến thôn Trung Hà, xã Nam Trạch, nay là xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, lấy chữ lót là Hữu, hiệu là Câu Nhiêu Xiển.
- Con trai thứ tư di cư đến châu Quy Hợp, thôn Vĩnh Đại, xã Trừng Thanh, nay là xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, hiệu là Trần Hữu Đồn Trâm.

Người con thứ hai là Ông bà Tiền Tướng Thần Lại Lĩnh Khanh Nam. 
Ông bà có ba người con:
*Người thứ nhất: Di cư đến xóm Cây Da, xã Thổ Lỗi, tổng Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn, nay là xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, nay có nhà thờ họ Trần Kim.
* Người thứ hai: Di cư đến xóm Loan Dạ, nay là xóm Quang Trung thuộc xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh.
* Người thứ ba: Ở lại xã Thượng Bình, nay là xã Hương Long, hương Khê, Hà Tĩnh để phụng dưỡng cha mẹ.
---------------------------
Những địa danh có liên quan đến ngài Trần Tướng Công như miếu Trầm Lâm, đền Công Đồng, đền Thượng Bình, Danh nhân văn hóa Việt Nam như Tướng Công Ngô Đăng Minh. Con cháu họ Trần đã có nhiều đóng góp cùng Tướng Công Ngô Đăng Minh trong cuộc kháng chiến chống giặc Bồn Man, dẹp yên bờ cõi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, con cháu họ Trần đã cùng nhân dân cả nước tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và dựng xây quê hương đất nước, nhiều người đã có công lớn được Nhà nước ghi nhận.














--------------
**********************************
********************
**********
********
****

HỌ TRẦN GIA PHỐ, HƯƠNG KHÊ, HÀ TĨNH
QUÊ BÀ NỘI TRẦN THỊ VỊ (BÀ TRÍ)
















Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

HỌ NGÔ TRẢO NHA, CAN LỘC

Vì sao lại đưa thông tin Họ Ngô vào trong trang này? Đây là một vấn đề có tính lịch sử. Nguồn gốc là Họ Trần Hương Long là con nuôi của Tướng Công Ngô Đăng Minh. Trong cuộc chinh phạt đánh giặc Bồn Man
con cháu họ Trần đã cùng Tướng Công lập công lớn, giữ yên bờ cõi nước nhà. Từ ngàn xưa, con cháu họ Trần Hương Long, Hương Khê vẫn về tại nhà thờ Họ Ngô ở Thanh Luyện để cúng tế hàng năm theo nghi thức trang trọng nhất. Họ Ngô ở Thanh Luyện vẫn luôn luôn truyền cho con cháu là họ Trần Hương Long là anh em một nhà...
-------------
Họ Ngô xuất hiện ở Trảo Nha rất sớm. Từ TK thứ 15, Ngô Nước - một trong 6 người con “Cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế di cư từ Thanh hóa vào sinh cơ lập nghiệp ở xã Chỉ châu phủ Thạch Hà (nay là xã Thạch Trị - Thạch Hà – Hà Tĩnh) sau đó thiên cư ra làng Trung Thủy, xã Đan Liên, phủ Thạch Hà, nay là khối Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, Can Lộc - Hà Tĩnh. 

Hai ông bà cần kiệm nghề trồng trọt chăn nuôi. Ông bà thường hay giúp người nghèo khó, cứu người lỡ bước khi hoạn nạn, lại biết chữ nên được dân làng bầu làm Lý chính (như Lý trưởng sau này); sau đó được tặng phong “Nghệ An chánh quản lĩnh”. Thời kỳ còn sinh sống ở Chỉ Châu, có lần khai hoang cuốc đất bắt được 3 hũ vàng, có người trung Quốc theo nham cảo tìm đến xin chuộc, đối chiếu thấy đúng, ông vui vẻ trả lại và làm cơm thết đãi ân cần được người khách báo ân cho một huyệt đất quý, và đề vào nham cảo câu “tha hương võ tướng, lũy thế nguyên huân” (con cháu xa quê sau này sẽ có người làm nên võ tướng, nối đời là nguyên huân của quốc gia). Ông thiên cư ra làng Trung Thủy xã Đan Liên từ đó phát triển nhanh chóng thành một dòng họ “cự tộc võ thần”.

Đời thứ 2 Ngô Phúc Hải mở đầu sự nghiệp với chức Tổng binh đồng tri trấn Thái nguyên, ông có sức khỏe hơn người, 13 tuổi đã lập mưu bắt được trộm cướp, lớn lên theo Tổng binh trấn Nghệ an đi dẹp giặc cướp vùng Nam Đường (Nam Đàn) Thanh Giang (Thanh Chương) lập nhiều công, được thăng chức Tổng binh giữ Đô ty sứ. Năm sau được cử đi trấn thủ Thái Nguyên. Ông có hai vợ bà cả người làng Trảo Nha, bà thứ người Hoa Viên, ngụ xã Phú Điền. Mộ được Thiên táng ở chân núi Mã Yên Sơn (rú Rum), làng Phúc Lễ, xã Phú Điền (Hưng Phú - Hưng nguyên - Nghệ An).

Đời thứ 3 Ngô Phúc Hà làm Chủ bộ ở Phủ Yên vương tước Thuần trung hầu, ông có hai vợ, bà cả người Trảo nha sinh Ngô Phúc Thanh là dòng trưởng ở Trảo Nha, bà hai người làng Hoa Viên (Nghi Xuân) sinh Ngô Phúc Điền, nay là Thủy tổ họ Ngô Phú Điền (xã Hưng Phú - Hưng Nguyên - Nghệ An) mới liên hệ được với họ Ngô Trảo Nha từ 1976. Đây là lần phân chi thứ nhất.

Đời thứ tư Ngô Phúc Thanh làm đến Đô tổng binh sứ ty, tước Vĩnh lộc hầu gia phong Thái bảo, mười năm trấn thủ Nghệ an được mệnh danh là “Nam diện trường thành”(bức tường thành kiên cố ở phía Nam).

Đời thứ 5 Ngô Phúc Trừng tức Ngô Cảnh Hữu (1520 - 1596), tước Thiếu Bảo Thế quận công. Khi Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông còn nhỏ. Lớn lên gặp lúc quê hương nhiều trộm cướp, ông tập hợp gia thuộc chiếm cứ huyện nhà (huyện Thiên Lộc - trấn Nghệ an) người theo ngày một đông. Ông đưa quân vào núi lập trại khẩn hoang luyện quân, chiếm cứ một vùng từ bờ nam sông Lam trở vào đợi thời cơ. Năm 1546 nghe tin vua Lê đặt hành cung ở Vạn Lại (Thọ Xuân - Thanh hóa) ông đem binh mã gồm 2 nghìn quân, 10 võ tướng 20 ngựa chiến theo Trịnh Kiểm phò vua Lê lập nhiều công.Ngày sau triều đình luận công khen thưởng, ông được xếp thứ 6 trong các Trung Hưng công thần được phong “lũy đại công thần dữ quốc đồng hưu”. Ông có ba bà: bà Từ Quang, bà quận chúa Trịnh Thị Diệu Minh, bà Diệu Hằng họ Phạm quê Nghệ An. 

Ông sinh 7 người con:
- Con trưởng Tứ quận công Ngô Phúc Tịnh ở Trảo Nha
- Hoành phổ hầu Ngô Phúc Hoành thủy tổ họ Chỉ châu (Thạch Trị - Thạch Hà - Hà Tĩnh),
- Khang trạch hầu Ngô Phúc Mai họ Cổ Bái - Tự Cường (Thạch Ngọc - Thạch Hà - Hà Tĩnh),
- Câu kê hầu, thủy tổ họ Thạch Mỹ - Thạch Hà,
- Ngô Đăng Khản lánh nạn đến đất Hà Linh - Hương Khê làm nghề dạy học, sinh Ngô Đăng Thiên, Ngô Đăng Minh, Ngô Đăng Bính. Ngô Đăng Minh làm Thái giám dưới triều Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1685) có công đánh dẹp Bồn man phong Án trung hầu sau khi chết dân làng Hà Linh lập đền thờ. Triều Nguyễn sắc phong “Trung đẳng tôn thần”, đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - 1993. 
- Ngô Thuận Tâm (sau đổi thành họ Trần) thủy tổ họ Trần Vị Xuyên - Nam Định và một bà con gái là Ngô Thị Ngọc Nguyên thứ phi Bình an vương Trịnh Tùng. Đây là lần phân chi thứ hai.

Đời thứ 6 con của Ngô Cảnh Hữu là Ngô Phúc Tịnh tước Tứ quận công tặng Thái bảo, Ngô Phúc Tịnh sinh Ngô Phúc Vạn , Vị Quận công (không rõ húy) và hai người con gái. Vị Quận công lấy quận chúa họ Trịnh sinh hai con trai là Diên quận công - thủy tổ họ Tam Đa (Quang Lộc - Can lộc - Hà Tĩnh) và Lý quận công.

Ngô Phúc Vạn (1577 – 1652) còn có tên khác là Ngô Phúc Mại, tự Tử Hán, hiệu Huân Dương Chân Nhân, sinh giờ Dần ngày 20 tháng 5 năm Đinh Sửu (1577), mất 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1652) Ngô Phúc Vạn là người văn võ toàn tài không chỉ võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp mà thánh kinh hiền truyện, thiên văn, địa lý, toán học đều tinh thông. Là một trọng thần, một danh tướng của triều đình Lê - Trịnh, phía Bắc diệt Mạc bắt được Mạc Kính Cung, phía Nam chống Nguyễn giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất, đưa lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII. Ông là người đầu tiên mở con đường thiên lý từ Thượng Huề (Vượng Lộc - Can Lộc) đến phủ Kỳ Hoa (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) và lập nên làng Trảo Nha xưa. Ngô Phúc Vạn làm quan đến chức Phó tướng Trung nhuệ Quân doanh, tước Thái Bảo, sắc phong là Tào Quận công, lúc về trí sĩ lập am Phúc Quy ở xã Thái Hà (xã Quang Lộc - Can Lộc ngày nay) tu tiên luyện Đạo với Pháp hiệu là Huân Dương Chân Nhân, thông hiểu nho y lý số, khi mất được nhân dân địa phương lập đền thờ tại quê nhà. Đền thờ và mộ Tào quận công được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Ngô Phúc Vạn có 7 bà vợ sinh 15 con gái và 10 con trai sau này phát triển thành 10 chi phát tán khắp cả nước.

Đây là lần phân chi thứ 3: 

- Dòng trưởng: 

Nhuận Quận công Ngô Phúc Thiêm (1628-1662)” - Ngô gia danh tướng”. Ông là con trưởng Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, mẹ là Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Uyên. Mẹ mất sớm, ông được Thanh đô vương Trịnh Tráng đem về nuôi trong phủ chúa đổi họ Trịnh. Năm 13 tuổi nhờ có công dẹp loạn Nguyễn Khắc Tôn được phong Nham Quận công. Năm 15 tuổi thi trận pháp đỗ đầu cả nước được thưởng 50 lạng bạc. Ông là người trí dũng song toàn, võ nghệ siêu quần, giỏi binh thư trận pháp, lâm trận biến hóa như thần đánh đâu thắng đó làm cho giặc kinh hoàng. Nhưng bản tính cương cường ương ngạnh nên nhiều phen thăng rồi bị giáng, cuối cùng mới được phục chức và thăng Đô đốc Nhuận quận công. Ông lấy Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Mai, con gái Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, ông ly dị khi chưa có con.

Bà thứ Lê Thị Điều, tục gọi là Bà Thượng cũng không có con,vì vậy phả cũ chép là vô tự.Trong thời kỳ bị biếm ở Thăng Long, Ông có bà thiếp họ Nguyễn, sinh một con trai Ngô Phúc Thiên. Sau khi được lệnh cầm quân vào chống quân nhà Nguyễn ở Nghệ An, Ngô Phúc Thiêm từ trần. Bà họ Nguyễn đã đem con trai về Hải Dương, sinh con đẻ cháu thành chi họ Ngô ở xã Chi Lăng Bắc huyện Ninh Thanh tỉnh Hải Dương.Đương thời ông được mệnh danh là “ Ngô gia danh tướng”. Sau khi mât hoá thần linh thiêng, nhân dân Nghiện Hùng (Tiến Lộc - Can Lộc) thờ ông làm Thành Hoàng. Sắc phong “Dực bảo Trung hưng Trung đẳng tôn thần”

Sau ngày chiến thắng ở bờ nam sông Lam, được phục hồi chức tước đóng quân tại huyện nhà, ông có lấy thêm bà thiếp họ Mai , người làng Hàm Anh (nay thuộc xã Tân Lộc huyện Can Lộc).Vừa lúc ông từ trần, bà sinh một con trai Ngô Phúc Tiến,sinh sống tại quê Hàm Anh. Người con trai ấy trở thành Thủy tổ chi họ Ngô Tân Lộc ngày nay. 

- Chi 2: Hàn Quận công Ngô Phúc Đang (? - 1696).

Ông là con thứ hai Tào Quận công. Tước Tham đốc đông giang hầu sau thăng Nam quân đô đốc phủ, hữu đô đốc châu Bố chính (Quảng bình) Năm Vĩnh trị thứ 3 (1678) được phong tước Hàn Quận công cùng ngày với hai em là Đằng Quận công Ngô Phúc Đang và Phượng Quận công Ngô Phúc Hộ. Sau khi nhuận Quận công Ngô Phúc Thiêm bị giáng chức, bắt phải đổi họ Phạm, ông được Tào Quận công giao ruộng đất hương hỏa và làm quyền tộc trưởng Chi 2 nối dòng tộc trưởng cho đến sau cách mạng tháng Tám - 1945. Hiện nay con cháu phân chi ở Phúc sơn, Bắc sơn (thị trấn Nghèn) và xã Tiến lộc, có một phái về Thạch hà. Nhà thờ hiện nay ở thôn Phúc Sơn - thị trấn Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh

- Chi 3: Đằng Quận công Ngô Phúc Hạp - Thị xã Châu Đốc

Ông là con trai thứ ba Tào Quận công Ngô Phúc Vạn.

Sau ngày Tào Quận công từ trần(1652), Ông là Chân kỳ Hầu khi mới 25 tuổi,là tướng trẻ có tài, được Chúa Trịnh giao cầm quân vào đất Chiêm Thành cũ, đánh sau lưng quân Chúa Nguyễn. Đi quá sâu vào Châu Đốc,vợ con ông ở lại đó không trở về quê cũ Trảo Nha. Nay thành một chi họ Ngô ở ấp Châu Thới 2, Thị xã Châu Đốc, đã ra liên lạc nhận gốc Tổ.

- Chi 4: Đáng Quận công Ngô Phúc Tân - huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Ông là con thứ tư Tào Quận công Ngô Phúc Vạn. khi mới trên 20 tuổi được phong tước Khiêm cung Hầu, ông cầm quân vào đánh Điện Bàn thuộc trấn Quảng Nam. Tương truyền ba anh em (Đằng Quận công Ngô Phúc Hạp, Đáng Quận công Ngô Phúc Tân, Khanh tương Hầu Ngô Phúc Triều) bị sa cơ trong chiến đấu, không trở về được, phải ở lại. Tước Quận công là tước phong tặng sau này. Người anh lấy tên Ngô Hân, người em tên Ngô Chúng cùng ở huyện Phù Ly, sau chia thành hai huyện là Phù Mỹ và Phù Cát. Người em sinh Ngô Thị Dũng, hai cha con di cư vào nam Phú Yên, rồi qua Gia Định, còn tồn nghi, đến nay chưa xác định được cụ thể.

- Chi 5 - dòng Phượng quận công Ngô Phúc Hộ (1634 – 1704).

Ông là con thứ 5 của Thái bảo Tào quận công Ngô Phúc Vạn, con cháu phân chi nhiều địa phương như Quảng trạch - Quảng bình, Thụy phương – Hà Tây. Ở Trảo nha hiện còn phái 1 Vinh Quận công và phái 4 Thuyền Phái Hầu (Có một nhánh ở Hưng Yên - Hưng Nguyên - Nghệ An). Phái 2 Tuấn Đức Hầu ở Quảng Trạch - Quảng Bình. Phái 3 Vị Phái Hầu ở xã Thụy Phương, huyện Chương Mỹ Hà nội. Con cháu các đời sau đều được phong Quận công và Hầu tước, đặc biệt huyền tôn của Ngô Phúc Vạn ( cháu 5 đời) là Ngô Phúc Phương, húy Túc (1710 - 1804) làm đến chức Đại tư đồ (Thừa tướng) kiêm phụ dực nội điện là chức quan coi sóc việc nội chính trong phủ Chúa. Bà là con gái thứ 8 chúa Trịnh Cương sinh 5 người con trai đều được phong tước hầu: Trọng võ hầu Ngô Phúc Trọng, Khoát võ hầu Ngô phúc Giám (phái Yên viên – Hà nội), Thuần trung hầu Ngô Phúc Thuần, Ngạn Trung hầu (thất truyền) và Diễn võ bá Ngô Phúc Diễn (phái nội thành Hà nội). Ngô Phúc Trọng sinh 4 người con trai: Phúc Bành, Phúc Dương, Phúc Ba, Phúc Lộc.

Ngô Phúc Bành về Trảo Nha trở thành thủy tổ của phái 1 chi 5. Phúc Dương ở Ninh Sơn, Phúc Ba sinh con cháu về Trảo Nha sau vào Vĩnh Lưu (Thạch Vĩnh - Thạch Hà).

Ngô phúc Bành sinh Phúc Thân, Phúc Dũng, Phúc Cụ.(Hai người sau tồn nghi lên ở Thổ Hoàng - Hương khê). Nhà thờ hiện tại ở khối I thị trấn Nghèn - Can lộc - Hà tĩnh..

- Chi 6: Kiêm lộc Hầu Ngô phúc Điền:

Ông là con trai thứ sáu Tào Quận công Ngô Phúc Vạn , Cẩm y vệ thự vệ, Chánh cai đội, con cháu ngày nay phát triển đông đúc ở thôn Văn Cử - xã Xuân Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh

- Chi 7: Hào mỹ Hầu Ngô Phúc Liêu

Ông là con trai thứ bảy Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, Sinh hai con trai: Ngô Văn Cang và Ngô Thuần Cẩm.

- Dòng Ngô Văn Cang thiên cư vào Quảng Nam
- Dòng Ngô Thuần Cẩm làm quan nhà Lê ở Thăng Long. Vài đời sau, khi vua Lê Chiêu Thống chạy theo quân nhà Thanh, con cháu là Ngô Phúc Thước về ở làng Quan Thổ, xã Thổ Quan, tổng Vĩnh An, huyện Hoàn Long, trấn Sơn Tây, nay là phường Thổ Quan, quận Đống Đa - Hà Nội.

- Chi 8: Vân lĩnh Hầu Ngô Phúc Phổ - Làng Vĩnh Ba, xã Hòa Đông, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên

Vân lĩnh Hầu, lúc nhỏ có tên là Bạc, con trai thứ 8 Tào Quận công phả cũ chép thất truyền,mấy năm gần đây chi họ Ngô chợ Rạng huyện Thanh Chương về nhận tổ,Gần đây lại có họ Ngô Văn ở huyện Tuy Hoà tỉnh Phú Yên nhận là dòng Ngô Phúc Phổ. (Hiện chưa thể khẳng định được, về niên đại thế thứ và tương truyền nên chép vào đây để sưu tầm xác định sau).

- Chi 9 -Toản Võ Hầu Ngô Phúc Trị (1643 - ?)

Khi Tào Quận công mất, Ngài mới 10 tuổi, lúc bấy giờ chiến tranh loạn lạc, quân Chúa nguyễn lấn chiếm đất Nghệ an đến bờ sông Lam, trong cơn binh lửa bị lạc mẹ, được bà bảo mẫu đưa về nuôi ở xã Ngọc sơn - phủ Thạch Hà, lưu lạc 10 năm sau ngày yên ổn trở về Trảo Nha lấy vợ người Phù Việt. Thi võ ở phủ trúng cách làm Quản quân, dòng dõi quân thần được phong tước Hầu, làm lực sĩ Ty lực sĩ hiệu úy, sau được thăng đô chỉ huy sứ ty, chỉ huy đồng tri, Thượng trụ quốc. con cháu hiện nay tập trung chủ yếu ở thị trấn Nghèn và xã Tiến Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh. Một phái ở xã Nghi công - Nghi lộc - Nghệ an. Hiện nay nhà thờ ở khối 2 thị trấn Nghèn - Can lộc - Hà Tĩnh

- Chi 10: Khanh tương Hầu Ngô Phúc Triều - Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Ngài làcon trai thứ 10 Tào Quận công , trấn thủ bến Trọng - Đồng Hới , vợ con ở lại không về, sinh ba con, con trưởng trở về Trảo Nha, truyền đến đời Ngô Phúc Duyện. Hiện nay con cháu ở lâm trường Hương Khê - Hà Tĩnh

Dòng thứ 2 theo đạo Thiên chúa, truyền đến đời Ngô Đình Khả, làm Thượng thư Phụ Đạo Đại Thần triều Đồng Khánh nhà Nguyễn. Sau ngày vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt , phong trào Cần Vương Phan đình Phùng tan rã, thực dân Pháp đưa ra hai bản án đày vua Hàm Nghi và quật mộ Phan đình Phùng. Ngô Đình Khả trong triều đình Nam triều không ký bản án đày vua, Nguyễn Hữu Bài không ký bản án quật mộ. Đương thời có câu "Đày vua không Khả - quật mả không Bài".

Ngô Đình Khả Thượng thư Phụ Đạo đại thần triều Đồng Khánh, Cố vấn của Vua Thành Thái nhà Nguyễn, Sinh Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm,Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Cẩn. Sau ngày Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát, gia đình ra nước ngoài hiện nay con cháu định cư ở Pháp, Bỉ và Italia.

Còn dòng thứ 3 truyền đến đời hiện nay là tộc trưởng Ngô Khiêm thôn Phổ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình 

Thời kỳ Tào Quận công và con trai là Nhuận Quận Công Ngô Phúc Thiêm được giao trấn thủ Nghệ an, có lần về triều Chúa hỏi tình hình, ông trả lời “Xin Chúa thượng bình tâm,cha con tôi còn ở đó địch không dám làm gì, một mai thế sự biến thiên tôi không thể biết trước được”. Chúa ban lời khen “Cha con ông thực xứng đáng là “Xã tắc chi Trảo nha” (Nanh vuốt của nước nhà). Về sau Tào Quận Công được phong ấp ở quê bèn đổi tên xã là Đan Liên thành Trảo Nha. Tên xã Trảo nha có từ đó.

Năm 1608 Tào Quận Công Ngô Phúc Vạn lấy Quận chúa Trịnh thị Ngọc Luyện được Chúa Trịnh phong ấp 2 ngàn mẫu ruộng, lập 18 trang trại bao gồm một vùng rộng lớn từ xã Thái Hà (Quang Lộc ngày nay) đến tận làng Hội (Khánh Lộc) vòng ra tận cống Thượng Huề (Vượng Lộc) về đến vùng Cửa Đạo ( thị trấn Nghèn). Đến năm 1628 ông mới bắt đầu về quê ở làng Gia Kỳ xã Trảo Nha xây dựng dinh thự nguy nga: 32 toà nhà ngói, chuồng ngựa 50 con, xưởng đóng thuyền chứa được 5 thuyền lớn, mở con đường thiên lý từ cống Thượng Huề (Vượng Lộc) đến Kỳ Hoa (Kỳ Anh). Lại dựng am Phúc Quy ở xã Thái Hà (Quang Lộc) thờ Tam tài phủ quân:
- Thiên hoàng đại đế nguyên thủy thiên tôn
- Địa hoàng đại đế nguyên thủy thiên tôn
- Thần nông đại thánh nguyên thủy thiên tôn
Về sau con cháu thờ thêm:
- Huân Dương chân nhân đại thánh (tức Tào Quận công)
- Thái Đường chân nhân đại thánh (chưa rõ là ai?)
(Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ am bị phá, hiện chỉ còn dấu tích nền am cũ).

Đến cuối thế kỷ 18, nhà Lê bắt đầu suy vong, tập đoàn phong kiến họ Trịnh lục đục xâu xé sát hại lẫn nhau tranh giành quyền lực.Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) dưới danh nghĩa “phò Lê diệt Trịnh”, nghĩa quân Tây sơn dưới sự chỉ huy của Long nhương tướng quân Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà, quan quân họ Trịnh chống cự rất yếu ớt rồi nhanh chóng tan rã, chúa Trịnh Tông chạy lên Sơn Tây bị bắt giải về kinh thành nộp cho nghĩa quân Tây sơn, giữa đường cắt cổ tự sát. Đại đa số con cháu họ Ngô là cựu thần của nhiều đời Chúa Trịnh, thậm chí là con cháu ngoại họ Trịnh, lo sợ bị Tây sơn trả thù cũng đành phải mai danh ẩn tích, có người thay tên đổi họ, lần lượt lui về cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã khắp mọi miền, đa số trở lại quê cha đất tổ ở Trảo Nha im hơi lặng tiếng một thời gian dài, giấu tung tích tộc trưởng, không ai dám nhận mình là cửa trên, xưng hô với nhau toàn bằng “chú”.(cách xưng hô này còn tồn tại đến ngày nay)

Suốt chiều dài lịch sử gần 500 năm đầy biến động thăng trầm, đa số con cháu trong họ đều làm quan làm tướng nên sống tập trung ở kinh đô hoặc thiên cư theo nơi cha ông được bổ dụng. Ở tại quê hương bản quán con cháu ít, nguồn sống chính là bổng lộc triều đình và lợi tức từ tô thuế ruộng đất được triều đình phong ấp. Đến khi lui về cuộc sông thôn dã do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu công cụ sản xuất nên từ tầng lớp “công thần tôn tử” nhanh chóng bị bần cùng hóa.Từ phu đài tạp dịch, đến thuế đinh thuế điền đều dưới danh nghĩa là “dân ngụ cư” nên phải chịu nhiều bất công nặng nề. Đầu TK 20 triều đình Nhà Nguyễn mở cuộc điều tra đất đai, lập địa bạ các làng xã, có một vùng đất khoảng 300 mẫu giáp giới giữa các xã, sâu trũng, nước mặn đồng chua mỗi năm ngập lụt 2-3 lần, không xã nào chịu nhận vào địa bạ, nhân đó họ Ngô xin nhận lập thành một thôn mới đó là thôn Tập phúc một thôn toàn dân họ Ngô (chủ yếu là chi II, chi V, chi IX) – đó là thôn thứ 9 của xã Trảo nha.(vùng đất Cồn Trống thuộc Phúc xuân - Đại lộc cũ, hiện còn dấu tích đền Tập phúc và miếu thành hoàng ở cánh đồng Nhà Hy - Cửa miệu). Từ đó con cháu họ Ngô mới được coi là dân địa phương hợp pháp. Suốt thời gian dài qua nhiều thăng trầm của lịch sử và chiến tranh loạn lạc, con cháu họ Ngô ly tán khắp mọi nơi, dần dần ở đâu an cư lạc nghiệp ở đó, ít người nghĩ đến chuyện trở quê hương và cũng ít có điều kiện để đi lại thăm hỏi nhau lâu dần thành mất liên lạc . Sau này khi đất nước được thống nhất, điều kiện kinh tế - xã hội dần dần được khôi phục và phát triển, con cháu khắp mọi miền bắt đầu nghĩ đến quê cha đất tổ, tìm về quê hương bản quán, tìm kiếm chắp nối, đối chiếu lại gia phả, họ Ngô ta lại bắt đầu thời kỳ hưng vượng, bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Có thể tự hào rằng trong lịch sử tồn tại và phát triển của họ Ngô Trảo Nha hơn 500 năm qua con cháu hậu duệ của đức Thủy tổ Ngô Nước từ làng Chỉ Châu (sau này là đất Thổ Sơn) đã chuyển cư đến nhiều nơi khác nhau trong nước và nước ngoài nhưng đều mang theo hoài niệm về quê gốc, về Thuỷ Tổ – Thần Tổ của họ mình. Ở đâu cũng phát triển thịnh vượng sản sinh ra nhiều danh nhân trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quân sự. Theo Gia Phả thì dưới thời Lê và Tây Sơn, họ Ngô ở Trảo Nha có tới 18 quận công, 36 hầu tước, có 4 người đỗ Tạo sĩ (tiến sĩ võ) là Ngô Phúc Thiêm, Ngô Phúc Túc, Ngô Phúc Trọng, Ngô Phúc Hoằng và nhiều người đỗ Tam Trường .

Đại Tư Mã Ngô Văn Sở là một võ tướng của triều Tây Sơn, có công giúp Hoàng đế Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh thống nhất giang sơn.

Tuy là dòng họ võ tướng, nhưng từ lâu đã có nhiều người giỏi văn học như các quận công Ngô Phúc Tịnh, Ngô Phúc Vạn, Ngô Phúc Thiêm …Ngô Phúc Túc (Hoành Quận công) - vừa đỗ Tạo sĩ (tiến sĩ võ), lại đỗ Hương Cống (văn).

Người đỗ đại khoa đầu tiên là Ngô Phúc Lâm (1724 - 1784). Ông là con thứ tư Dật Trung hầu Ngô Phúc Bình và là cháu nội Toản Võ hầu Ngô Phúc Trị (thuộc thế hệ thứ X - Chi 9 Trảo Nha).Cháu nội Ngô Phúc Lâm là Ngô Phúc Trinh, và Ngô Phùng, con Ngô Phùng là Ngô Huệ Liên đều đỗ cử nhân đời Nguyễn. Ngô Phúc Trinh làm Tri huyện; Ngô Phùng làm đến Hồng Lô tự Thiếu Khanh, còn Ngô Huệ Liên làm Quản Tu Quốc Sử quán, tặng Tham tri Bộ công. Ông là thân sinh tiến sĩ Ngô Đức Kế.

Có thể nói rằng Lịch sử họ Ngô gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quá trình hình thành tồn tại và phát triển của dòng họ luôn song hành với những thăng trầm của lịch sử, trải qua bao cơn binh đao loạn lạc con cháu ly tán, nhà thờ lăng mộ bị hoang phế, gia phả bị thất lạc... Ngày nay khi đất nước đã thống nhất, kinh tế - văn hóa - xã hội đang phát triển, dần dần con cháu sẽ tìm về cội nguồn, chắp nối gia phả nhìn nhận lại họ hàng. Giở lại những trang lịch sử hào hùng của ông cha chúng ta càng thêm tự hào được làm con cháu họ Ngô càng ra sức công tác học tập phấn đấu để xứng đáng với truyền thống của của ông cha.   

(Theo: Ngô Trọng Kim)